ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ NUÔI TRỒNG THỦY, HẢI SẢN

ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ NUÔI TRỒNG THỦY, HẢI SẢN

Ngày nay, việc áp dụng khoa học – công nghệ vào quá trình nuôi trồng các sản phẩm nông – lâm – thủy sản ngày càng được phổ biến.

Hiện trạng nuôi trồng thủy hải sản tỉnh Trà Vinh

Đầu năm 2022, ước mặn trên các nhánh sông đã xuất hiện với độ mặn thích hợp nên nông dân tranh thủ thả cua giống nuôi sớm để kịp thời gian nuôi thêm từ 1 – 2 vụ cua biển trong năm hoặc thả nuôi thêm một vụ tôm thẻ chân trắng từ tháng 8 – 9 để thu hoạch tôm vào cuối năm 2022.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, hộ chuyên nuôi cua biển, ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải cho biết, năm nay nhu cầu thị trường về cua biển thương phẩm tăng mạnh, nhờ đó giá cua luôn ổn định ở mức cao. Bình quân, giá cua biển trong năm được các đại lý thu mua loại cua biển 2 – 3 con/kg từ 250.000 – 270.000 đồng/kg; cua gạch có giá 300.000 – 350.000 đồng/kg; cua loại 4 – 5 con/kg dao động mức giá 170.000 – 180.000 đồng/kg. Giá cua này, nông dân nuôi 2 vụ cua biển thu lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/ha/năm và lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng nếu nuôi 3 vụ trong năm.

Còn tại huyện Cầu Ngang và thị xã Duyên Hải, mỗi hộ dân thả 600.000 con tôm giống trên diện tích 3000m2 và thu trên 19 tấn sau 75 ngày thả nuôi, lãi hơn 350 triệu đồng. Tôm đạt trọng lượng 63 con/kg, năng suất là 31,7 tấn/ha/vụ.

Ngoài ra, Trà VInh cũng nuôi nghêu với tổng diện tích là 1.000 ha tại các huyện Châu Thành, Cầu Ngang và thị xã Duyên Hải. Sản lượng nghêu thu hoạch hàng năm của Trà Vinh từ 4.000-6.000 tấn.

Áp dụng công nghệ vào nuôi trồng thủy, hải sản

Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, có hơn 11.000 ha nuôi trồng thủy sản theo phương thức thâm canh và siêu thâm canh công nghệ cao.

Đối với nuôi trồng thủy sản, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao trong ao nổi lót bạt cho sản lượng bình quân 40 – 50 tấn /ha/vụ, cao gấp 5 – 7 lần so với nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh bình thường.

Đối với cua biển tại tỉnh Trà Vinh, việc ứng dụng công nghệ vào mô hình xản xuất giống cua biển thương phẩm để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất cua lột được đề xuất bởi UBND tỉnh ngày 07/04/2021. Mục tiêu của dự án là ứng dụng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cua biển (Scylla paramamosian) để sản xuất giống và nuôi cua biển thương phẩm sử dụng làm nguyên liệu sản xuất cua lột phục vụ xuất khẩu, tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần tạo sinh kế, tạo đối tượng nuôi mới có giá trị và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Trà Vinh.

Trà Vinh đã có những chính sách nhằm ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình nuôi trồng thủy hải sản. Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND về Quy trình chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021-2025 mà trong đó, tỉnh ưu tiên hỗ trợ cho các tổ chức, đơn vị, hộ nông dân thực hiện các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản.

Như vậy, việc áp dụng khoa học công nghệ vào việc nuôi trồng thủy hải sản là một bước phát triển tất yếu cùng với sự phát triển của thời đại. Để thực hiện được điều đó thì sự phối hợp của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, Hợp tác xã với người nông dân cần được thực hiện chặt chẽ dưới sự biến động không ngừng của thị trường và khoa học – công nghệ.

Share:

Author: SNN Tra Vinh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *