CÔNG NGHỆ NUÔI CUA BIỂN LỘT TỈNH TRÀ VINH

CÔNG NGHỆ NUÔI CUA BIỂN LỘT TỈNH TRÀ VINH

Tỉnh Trà Vinh là một tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển thủy hải sản mà việc đầu tư công nghệ vào nuôi trồng thủy hải sản, trong đó nuôi cua biển lột nhờ áp dụng công nghệ là một thành công đối với tỉnh Trà Vinh.

Cua lột là gì?

Trong quá trình trưởng thành và phát triển của con cua, chúng sẽ lột xác nhiều lần. Trước khi lột xác, một con cua thường hấp thụ lượng canxi từ bộ vỏ cũ, sau đó tiết ra enzyme để tách lớp vỏ cũ ra khỏi lớp da hoặc lớp biểu bì. Lớp da này sẽ được bao bọc bởi ra một lớp vỏ mới, mềm hơn và mỏng hơn so với lớp vỏ cũ. Con cua sau đó sẽ tự rút lớp vỏ cũ bằng cách đẩy ra và thu lại các phần cơ thể nhiều lần, cho đến khi rút phần chân trước và hoàn toàn tách ra khỏi lớp vỏ cũ. Quá trình thay vỏ mới của một con cua thường kéo dài trong vòng 15 phút.

Công nghệ nuôi cua lột tại tỉnh Trà Vinh

Tỉnh Trà Vinh hiện nay đã liên kết với Công ty Cổ phần Vinacrab để xây dựng nhà máy sản xuất liên kết với các hộ dân tỉnh Trà Vinh. Công ty Cổ phần Vinacrab là một doanh nghiệp khoa học công nghệ Phú Yên, công ty này đã nghiên cứu ra những quy trình ứng dụng công nghệ tự nhiên cho cua lột hàng loạt để tạo sự đồng đều về chất lượng. Theo Ông Nguyễn Xuân Thuỷ, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Vinacrab chia sẻ rằng Indonesia và Thái Lan có công gnheej sản xuất cua lột rất tuyệt vời và đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, các loại cua có mẫu mã đẹp hơn hẳn so với các quốc gia Đông Nam Á như cua đen, cua xanh và cua đỏ chính là tiềm năng phát triển cho Việt Nam. Cũng theo ông Thủy, trước đây, nước ta chỉ có cua lột ngoài tự nhiên, không đủ sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, bằng công nghệ khoa học, VinaCrab đã sở hữu quy trình giúp cua lột hàng loạt một cách tự nhiên. Công nghệ hoàn toàn không có kháng sinh, không có hoá chất.

Sản phẩm cua lột của Công ty Cổ phần VinaCrab. Ảnh: Minh Đảm.

Quy trình nuôi cua lột hiện của VinaCrab đã được cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ. Hiện tại, Vinacrab đang chuyển giao cho nông dân Trà Vinh, mà tiêu biểu là 5 nông dân đầu tiên ở Thị xã Duyên Hải thực hiện. Mô hình Vinacrab chuyển giao nông dân thực hiện là nuôi 30 nghìn cua giống trên diện tích nhỏ 1.500 m2, gồm 2 giai đoạn trong thời gian từ 45 – 60 ngày. Tỷ lệ nuôi giai đoạn ương dèo là 20 con/m2 và nuôi thúc là 7 con/m2. Cụ thể, quy trình gồm 5 giai đoạn: Chuẩn bị ao hồ, ương dèo, nuôi thúc, thu hoạch và vận chuyển. Mỗi giai đoạn đều có những bí quyết công nghệ riêng để tạo nên cua nguyên liệu đạt chuẩn trước khi đưa vào nhà máy để tiến hành lột xác. Cua nguyên liệu đạt trọng lượng khoảng 70 – 80 g/con, tức khoảng 13 – 14 con/kg.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa (trái ), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VinaCrab ký kết hợp đồng liên kết sản xuất cua với nông dân Thị xã Duyên Hải. Ảnh: Minh Đảm.

Đáng chú ý, qua thực hiện mô hình, tỷ lệ cua sống đạt trên 46%. Mức lợi nhuận đạt được gần 90 triệu đồng/chu kỳ nuôi, trong khi chi phí đầu tư chỉ gần 50 triệu đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên đầu tư khoảng 1,8 lần.

Thị xã Duyên Hải có các loại hình nuôi thuỷ sản như tôm thẻ, tôm sú, cua biển và các nhuyễn thể hai mảnh như nghêu và sò huyết. Đối với cua biển, Thị xã Duyên Hải có diện tích nuôi hàng năm trên 4.100 ha, sản lượng 1.600 – 2.300 tấn/năm. Duyên Hải đang có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi cua biển. Nghề nuôi cua biển địa phương có truyền thống lâu năm, trước đây nông dân thường nuôi xen trong đồng và vuông tôm quảng canh cải tiến.

Cho rằng đây là tiềm năng lớn để Công ty đầu tư khai thác, định hướng năm 2022 này, Công ty Cổ phần Vinacra cho biết sau khi nghiên cứu kỹ càng về thổ nhưỡng, khí hậu, độ pH của nước…, Thị xã Duyên Hải sẽ là nơi quy hoạch lại nguồn cua biển nguyên liệu rất tốt của Việt Nam.

Theo Minh Đảm, Nông nghiệp Việt Nam.vn

Share:

Author: SNN Tra Vinh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *