TRÀ VINH PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN THEO HƯỚNG BỀN VỮNG
Phát triển kinh tế theo hướng bền vững, đặc biệt là kinh tế biển trở thành mục tiêu của Đề án phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh theo hướng bền vững đến năm 2030 được Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành.
Theo đó, tỉnh Trà Vinh sẽ đầu tư phát triển các loại năng lượng tái tạo như điện gió, điện năng lượng mặt trời, điện sinh khối và điện rác. Đây là những loại năng lượng đáng để đầu tư trước tình trạng năng lượng truyền thống bị giới hạn. đến nay, tỉnh có 04 nhà máy nhiệt điện, với tổng công suất gần 4.500MW; 09 dự án điện gió tổng công suất 666MW; 01 nhà máy điện mặt trời công suất khoảng 140MW. Tỉnh đang đề nghị Trung ương bổ sung 17 dự án điện gió, công suất 2.400MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh; đang kiến nghị Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung 46.505,13MW tiềm năng vào Quy hoạch điện VIII; trong đó, công suất điện gió 33.787MW; điện mặt trời 7.587MW; điện sinh khối 110MW; điện rác 21,3MW; điện khí 5.000MW.
Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng phát triển đô thị xen biển, giao thông vận tải biển và các ngành kinh tế biển của tỉnh. Năm 2025, tỉnh định hướng hoàn thiện cơ bản hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ các khu chức năng, hoàn thành điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Định An.
Phát triển du lịch cũng là một trong những hoạt động trọng tâm phát triển bền vũng kinh tế biển. Trà Vinh có bờ biển dài, có nhiều khu du lịch đẹp và nổi tiếng phải kể đến: Khu du lịch Biển Ba Động, Hàng Dương, Cù lao Long Trị, Cù lao Tân Quy.
Chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy hải sản truyền thống, quy mô nhỏ sang áp dụng các công nghệ hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất; kèm theo đó là vấn đề bảo vệ môi trường khu vực sản xuất được tập trung thực hiện để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị sản phẩm và hạn chế nhiều chi phí phát sinh, tỉnh Trà Vinh khuyến khích liên kết các công đoạn từ chế biến, sản xuất đến bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.